Nghề Nhân sự được biết đến là một ngành đòi hỏi khả năng lãnh đạo và quản lý để xây dựng nguồn nhân lực cần thiết mà doanh nghiệp đang tìm kiếm. Các nhà Quản lý Nhân sự cần có nhiều kỹ năng khác nhau để làm tốt công việc và nhiệm vụ của mình.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc với các vị trí tuyển dụng, HR2B đã phân tích và liệt kê được một số kỹ năng cần có ở một nhà quản lý nhân sự. Bài viết này sẽ cung cấp một cái nhìn tổng quan về những kỹ năng mềm quan trọng mà một nhà quản lý nhân sự cần có.
Quản lý nhân sự là gì?
Quản lý nhân sự hay quản lý nguồn nhân lực là một thuật ngữ hiện đại, được sử dụng để mô tả việc quản lý và phát triển nhân viên trong một tổ chức. Về cơ bản, mục đích của quản lý nhân sự là tối đa hóa năng suất của một tổ chức bằng cách tối ưu hiệu quả làm việc của nhân viên. Nhiệm vụ này khó có thể thay đổi theo bất kỳ hoàn cảnh nào, mặc dù tốc độ thay đổi trong trong thị trường kinh doanh ngày càng tăng.
Các vị trí trong ngành quản lý nhân sự bao gồm Quản lý/ Giám đốc Nhân sự, Chuyên viên Nhân sự, Chuyên viên Đào tạo, Nhân viên Tuyển dụng…
Mục đích của quản lý nhân sự là tối đa hóa năng suất của một tổ chức bằng cách tối ưu hiệu quả làm việc của nhân viên - Ảnh: Internet
Trong những năm gần đây, sự đề cao tầm quan trọng quản lý nhân sự đối với sự phát triển tổng thể của một công ty đã tăng lên đáng kể. Hiện nay, quản lý nhân sự thường tập trung vào một số lĩnh vực chính như sau:
- Tuyển dụng
- Bồi thường và phúc lợi
- Đào tạo và học tập
- Quan hệ lao động và nhân viên
- Phát triển tổ chức
5 kỹ năng của nhà quản lý nhân sự – Ảnh: thebalancecareers.com
Những kỹ năng nào nhà quản lý nhân sự cần có?
Dù ở bất kỳ ngành nghề nào, bạn cũng cần phải có được những kỹ năng cần thiết và thật sự phù hợp để có thể làm tốt nhiệm vụ được giao. Chính vì vậy, để có thể trở thành một quản lý nhân sự giỏi, bạn cần phải phát triển một số kỹ năng sau:
1. Kỹ năng tổ chức
Một quản lý nhân sự đòi hỏi phải chịu rất nhiều trách nhiệm như tuyển dụng, phỏng vấn, đào tạo, đánh giá hiệu suất, lập kế hoạch phát triển cá nhân và quan hệ nhân viên. Vì vậy, để giám sát tất cả các công việc này một cách hiệu quả thì cần phải có kỹ năng tổ chức thật tốt.
Bên cạnh đó, một nhà quản lý nhân sự cần phải thiết lập các tài liệu pháp lý và hồ sơ nhân viên một cách có hệ thống. Chính vì vậy, việc tổ chức tốt tất cả các quy trình và nhiệm vụ hành chính liên quan sẽ giúp bạn tăng hiệu quả làm việc như một chuyên gia nhân sự.
Tổ chức tốt tất cả các quy trình và nhiệm vụ hành chính liên quan sẽ giúp bạn tăng hiệu quả - Ảnh: Internet
2. Kỹ năng giao tiếp
Giao tiếp là một kỹ năng mềm quan trọng cho những người làm việc trong ngành Nhân sự. Bạn sẽ phải giao tiếp hiệu quả với mọi người trong một tổ chức, từ nhân viên mới vào nghề cho đến CEO. Bạn phải có khả năng giải thích bằng lời nói và bằng văn bản bất kỳ và tất cả thông tin liên quan đến chính sách của công ty. Thông thường, những người trong ngành Nhân sự phải thực hiện các cuộc phỏng vấn, thuyết trình và dẫn dắt giải quyết xung đột. Tất cả những điều này rất cần kỹ năng giao tiếp mạnh mẽ.
Trở thành một người giao tiếp tốt cũng có nghĩa là một người biết lắng nghe. Trong ngành Nhân sự, bạn cần lắng nghe cẩn thận những câu hỏi và mối quan tâm của mọi người trong tổ chức của mình.
3. Kỹ năng ra quyết định
Nhân sự liên quan rất nhiều đến việc ra quyết định. Một trong những tình huống cần thiết có kỹ năng này là trong quá trình tuyển dụng, khi bạn phải quyết định xem ứng viên có thật sự phù hợp với công việc hay không. Việc công nhận ứng viên có tiềm năng hay không đòi hỏi trực giác, kinh nghiệm và tư duy chiến lược hiệu quả ở một quản lý nhân sự.
Nhân sự liên quan đến rất nhiều đến việc ra quyết định - Ảnh: Internet
Các quản lý nhân sự cũng cần phải ra quyết định khi tổ chức đang phải đối mặt với tình trạng biến động hoặc gặp sự cố. Trách nhiệm lúc này của quản lý nhân sự là truyền tải thông điệp một cách hiệu quả đến nhân viên hiểu rõ các chính sách của công ty. Do đó, một quản lý nhân sự giỏi cần phải có kỹ năng đưa ra quyết định hiệu quả để thực hiện tốt các chức năng trên.
4. Kỹ năng quản trị xung đột
Vai trò của Nhân sự là giúp doanh nghiệp giải quyết một loạt các xung đột xảy ra trong tổ chức và duy trì các tiêu chuẩn của công ty, cho dù là giữa hai đồng nghiệp hoặc giữa nhân viên và chủ doanh nghiệp.
Nhân viên Nhân sự cần có kỹ năng đàm phán và hòa giải, bạn cần có khả năng giao tiếp rõ ràng và hiệu quả với các đồng nghiệp trong tổ chức, bạn cần kiên nhẫn lắng nghe cả hai bên và giải quyết vấn đề một cách tôn trọng và phù hợp.
5. Đạo đức
Bộ phận Quản lý Nhân sự là nơi nắm rõ thông tin cá nhân nhân viên hơn bất kì bộ phận nào khác trong công ty, vì vậy khả năng đánh giá và suy xét thận trọng là chìa khóa dẫn đến thành công trong ngành Quản lý Nhân sự. Bạn sẽ là người có trách nhiệm xác định các vi phạm và đảm bảo cả nhân viên và doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định trong tổ chức.
Mục đích chung của Nhân sự (HR) là đảm bảo rằng tổ chức có thể đạt được thành công thông qua con người. - Hình ảnh: Internet
Nhân sự là một lĩnh vực tiềm năng với rất nhiều cơ hội. Tuy nhiên bạn cần phải có những kỹ năng phù hợp để trở thành một nhà quản lý nhân sự thành công. Nếu bạn là một người thực sự có được những kỹ năng trên, thì đây có thể là lĩnh vực phù hợp dành cho bạn!